Xây dựng chính sách tổng thể, dài hạn cho nhà ở xã hội

6

Bộ Xây dựng đã đề xuất dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại.

Xây dựng chính sách tổng thể, dài hạn cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.
Dự án nhà ở xã hội Ecohome, quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trước thực trạng phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, nguồn cung vẫn eo hẹp so với nhu cầu thực tế đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu các cơ chế chính sách mới, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong phát triển quỹ nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã đề xuất dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là một trong những động thái tích cực nhằm đạt mục tiêu này.

Nhận diện khó khăn

Theo ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong các năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn, thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Khó khăn đầu tiên phải đối diện chính là việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu các định chế tài chính hỗ trợ vốn phát triển nhà ở này, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội cũng như cho doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Hiện ngân sách nhà nước mới chỉ cấp được một lượng nhỏ vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo thống kê, vốn đã bố trí đạt 1.261,208 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội mới chỉ được cấp 500 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định cũng chưa được bố trí ngân sách cấp bù để cho doanh nghiệp và người dân vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014.

Trong khi đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương chỉ quan tâm thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà không chú ý triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đặc biệt, giai đoạn thị trường bất động sản phát triển “nóng” như vừa qua thì doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hầu như không tham gia phát triển nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp…

Còn các đối tượng nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập của họ…

Hàng loạt những khó khăn đang kết lại thành rào cản khiến việc phát triển nhà ở xã hội “chìm” dần, đẩy giấc mơ sở hữu nhà ở của người có thu nhập hạn chế ngày càng xa.

Xây dựng chính sách tổng thể, dài hạn cho nhà ở xã hội - Ảnh 2.
Bộ Xây dựng đã đề xuất dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là một trong những động thái tích cực nhằm đạt mục tiêu này. (Ảnh: Hạ Vũ)

Xây dựng chính sách tạo lực đẩy

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng 1 triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Khi tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, sức ép về nhà ở tăng cao dẫn đến giá nhà đất tại đô thị sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ đối với người dân sinh sống tại đây.

Cùng đó, số lượng người nghèo đô thị cũng tăng lên và phải đối mặt khó khăn trong tiếp cận nhà ở với giá phù hợp khả năng tài chính của họ. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh các khu nhà ở tạm bợ, có hoặc không có cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản.

Theo ông Hà Quang Hưng, để giải quyết những vấn đề này cần “trợ lực” từ chính sách. Việc đầu tiên cần làm là phải đánh giá hiện trạng cơ chế, chính sách nhà ở xã hội đã ban hành; khảo sát, nghiên cứu và dự báo nhu cầu nhà ở xã hội; xây dựng chính sách nhà ở xã hội để bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung của Luật Nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia liên quan đến nhà ở xã hội; nâng cao năng lực cán bộ các cấp.

Do vậy, dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng đề xuất nằm trong khuôn khổ tiếp nối kết quả dự án “Đề xuất chính sách pháp luật để phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam” năm 2014. Dự án bổ sung các nghiên cứu chuyên sâu về nhà ở xã hội mà các nghiên cứu trước đây chưa thực hiện được, nhằm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp về phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn mới 2021-2030. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên những “trợ lực” mới từ chính sách.

Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) là sự bổ sung nhưng không trùng lặp những dự án, hoạt động đã triển khai, qua đó đẩy mạnh hiệu quả và tác dụng của toàn bộ chương trình. Hiện Hàn Quốc là một trong các nước có nhiều kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội thành công nhất trên thế giới – các chuyên gia đánh giá.

Ông Moon Hyogon, Giám đốc dự án phía Hàn Quốc chia sẻ, bằng kinh nghiệm phong phú tại nhiều dự án phát triển nhà ở xã hội tại nhiều nước trên thế giới, KOICA mong muốn sẽ nhân rộng sáng kiến, kinh nghiệm tốt từ những chương trình thí điểm khác nhau đã thực hiện và ứng dụng thành công vào điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Theo ông Moon Hyogon, các phân tích, đánh giá, đề xuất do KOICA cung cấp nhằm giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để lồng ghép cách tiếp cận phát triển nhà ở xã hội tiên tiến trên thế giới vào chương trình phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách và cán bộ có liên quan đến xây dựng chính sách nhà ở xã hội sẽ được đào tạo, phát triển các kỹ năng, khả năng tương ứng thông qua nhiều chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật – phía KOICA cam kết.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014, trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn của địa phương đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương bao gồm cả tại đô thị và nông thôn cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm hoặc dài hơn.

Đồng thời, Bộ Xây dựng được giao khảo sát thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội tại các địa phương trọng điểm để phục vụ nghiên cứu xây dựng điều chỉnh Chiến lược nhà ở quốc gia.

Các nội dung này sẽ được KOICA thực hiện một phần thông qua việc khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030; trong đó các chuyên gia sẽ thiết lập mục tiêu định tính và định lượng về cung cấp nhà ở xã hội theo vùng, khu vực, loại đô thị và theo nhóm đối tượng dựa trên dự báo nhu cầu về nhà ở xã hội.

Những khảo sát này không những giúp Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng điều chỉnh Chiến lược nhà ở quốc gia, các đơn vị có liên quan hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở của địa phương mà còn giúp tiết kiệm ngân sách phải chi để thực hiện nhiệm vụ này.