Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố 8 km. Phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; phía tây giáp quận Long Biên và quận Hoàng Mai; phía nam giáp huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên; phía bắc giáp huyện Đông Anh và tỉnh Bắc Ninh.
Tổng diện tích của Gia Lâm là 116,71 km2 với 22 đơn vị hành chính.
Huyện Gia Lâm kết nối với trung tâm TP Hà Nội qua cầu Thanh Trì. Thông tin lên quận, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, cùng những bước tiến mới về hạ tầng đã khiến bất động sản Gia Lâm có nhiều biến động.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, trong đó Gia Lâm là một phần của khu đô thị trung tâm được mở rộng về phía đông.
Trong đó, khu đô thị Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên định hướng phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng quốc lộ 5 và quốc lộ 1. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,7 triệu người.
Gia Lâm được định hướng là một phần của khu đô thị trung tâm được mở rộng về phía đông. (Ảnh: Hạ Vũ).
Ngoài ra, Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành vào tháng 6 tới.
Theo tờ trình đồ án, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, trong đó có Gia Lâm.
Phân khu đô thị sông Hồng sắp phê duyệt đi qua địa bàn huyện Gia Lâm có diện tích khoảng hơn 1.300 ha (tính cả mặt nước sông Hồng). Phân khu đi qua địa bàn các xã Đông Dư, Bát Tràng, Kim Lan và Văn Đức.
Khu vực Đông Dư – Bát Tràng được nghiên cứu xây dựng quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng với tỷ lệ 5%. Địa phương có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, được quy hoạch thành khu đô thị mới.
Khu vực trên được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng…
Gia Lâm thu hút nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Eurowindow Holding, Masterise Homes,… đầu tư phát triển các đại đô thị theo mô hình sinh thái và thông minh.
Nổi bật nhất là dự án Vinhomes Ocean Park do Công ty TNHH Đầu Tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm, công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức vốn 87.385 tỷ đồng. Dự án rộng 420 ha, nằm giữa Quốc lộ 5A và 5B tại thị trấn Trâu Quỳ – xã Dương Xá – xã Kiêu Kỵ – xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.
Vinhomes Ocean Park được chính thức khởi công từ tháng 11/2018 và dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024. Điểm nhấn của dự án là biển hồ nước mặn nhân tạo rộng 6,1 ha và hồ Ngọc Trai rộng 24,5 ha, được xây dựng tại phía đông của đại đô thị; và trường Đại học Quốc tế VinUni với quy mô diện tích khoảng 23 ha tại khuôn viên khu đô thị.
Gia Lâm thu hút nhiều dự án của các ông lớn bất động sản như Vingroup, Eurowindow Holding, Masterise Homes,… (Ảnh: Hạ Vũ).
Khu căn hộ cao cấp Masteri Waterfront của Masterise Homes rộng 37 ha, nằm trong quần thể Đại đô thị Vinhomes Ocean Park. Dự án gồm 3837 căn hộ và dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.
Kế cận Vinhomes Ocean Park là dự án Eurowindow Twin Parks. Đây là tổ hợp lô liền kề, nhà phố, biệt thự rộng 10 ha của Eurowindow nằm ở thị trấn Trâu Quỳ. Dự án đang được xây dựng tại đường Thành Trung và đường mới Đông Dư – Dương Xá.
Khu đô thị mới Đặng Xá có diện tích 30,6 ha, do Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng – Viglacera làm chủ đầu tư. Đây là khu đô thị đầu tiên trên địa bàn huyện Gia Lâm phát triển dọc theo quốc lộ 5, thuộc địa phận các xã Cổ Bi – Trâu Quỳ – Phú Thị.
KĐT gồm các biệt thự, nhà liền kề, các tòa nhà chung cư cao từ 7 đến 12 tầng và cao ốc văn phòng 9 tầng. Phần lớn các căn liền kề và biệt thự đã được xây dựng hoàn thiện, nhiều hộ dân đã chuyển đến sinh sống.
Một dự án khác là Gia Lâm Central Metropolitan nằm trên đường Nguyễn Mậu Tài, thị trấn Trâu Quỳ, cách Nhà văn hóa huyện Gia Lâm 150 m.
Dự án rộng 8.043 m2, với tổng số 69 căn nhà phố thương mại, có diện tích dao động từ 67 m2 – 174 m2, được thiết kế cao 5 tầng. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng 1 Hà Nội (Investco 1).
Green Oasis Gia Lâm là dự án nhà ở liền kề rộng 3,2 ha do CTCP Xây lắp 1 – Petrolimex làm chủ đầu tư. Vị trí dự án gần đường quốc lộ 5, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dự án gồm 198 shophouse và nhà ở thấp tầng, công viên cây xanh, trung tâm thương mại, trường mầm non.
Ngoài ra, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tại huyện Gia Lâm, địa phương có 105 dự án được thực hiện với tổng diện tích hơn 893 ha, trong đó có nhiều dự án bất động sản.
Đơn cử như Tập đoàn Vingroup sẽ làm dự án Đầu tư xây dựng Sân golf Vinpearl Hà Nội trên diện tích 182,3 ha tại xã Dương Hà và Phù Đổng. Bên cạnh đó, Vingroup sẽ đầu tư trung tâm thương mại quy mô 9,3 ha tại xã Đa Tốn. Đây là hai dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được chuyển tiếp sang.
Ngoài hai dự án của Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm dự kiến làm dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Gia Lâm (đợt 4), diện tích 3 ha.
CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp làm dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Yên Viên, diện tích 26 ha. Dự án khu thương mại, dịch vụ công cộng kết hợp bãi đỗ xe do CTCP Xuất nhập khẩu B&B Việt Nam làm chủ đầu tư trên diện tích 1,33 ha.
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ xây dựng trường học ở xã Yên Viên và xã Dương Xá; đầu tư cải tạo, mở rộng Bệnh viện huyện Gia Lâm với quy mô 200 giường bệnh,…
Bên cạnh đó, Gia Lâm còn là địa phương giáp ranh với loạt dự án, khu đô thị lớn tại các quận Long Biên, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh như Ecopark, khu đô thị Dream City và Đại An của Vinhomes (Văn Giang, Hưng Yên), Vinhomes Riverside (Long Biên), AEON Mall Long Biên,… Hiệu ứng phát triển của loạt dự án này giúp cho Gia Lâm cũng sẽ được hưởng lợi ít nhiều.
Hiện tại, để vào trung tâm thành phố, người dân Gia Lâm sẽ di chuyển qua cầu Thanh Trì. Cách đó khoảng 5 km có thêm cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa phận quận Long Biên. Ngoài ra, ba cầu bắc qua sông Đuống là cầu Phù Đổng 1, 2 và cầu Đuống sẽ kết nối huyện Gia Lâm với một phần quận Long Biên.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ xây thêm 16 cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Trong đó, đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng thêm cầu Ngọc Hồi dài 4 km bắc qua huyện Thanh Trì và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.880 tỷ đồng.
Cây cầu này đi trùng với đường vành đai 3.5, kết nối giao thông huyện Gia Lâm với trung tâm Hà Nội và thị trấn Văn Giang, Hưng Yên.
Huyện Gia Lâm cũng sẽ có thêm 3 câu cầu vượt sông Đuống, nâng cao khả năng kết nối giữa quận Long Biên, huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên.
Cụ thể, cầu Đuống mới dài 2 km sẽ nối thẳng đường Ngô Gia Tự (Long Biên) và Hà Huy Tập (Gia Lâm). Cách vị trí này không xa, cũng có thêm quy hoạch cầu nối đường Gia Thượng (Long Biên) với quốc lộ 3 (Gia Lâm).
Dự kiến, Hà Nội sẽ xây cầu Đuống mới theo hình thức đối tác công tư – PPP.
Ngoài ra, theo quy hoạch, khu vực thuộc địa bàn quận Long Biên cũng sẽ xây dựng nút giao kết nối cầu Đuống mới và cầu nối Gia Thượng với quốc lộ 3.
Nằm giữa cầu Đuống và cầu Phù Đổng, cầu Giang Biên dài 4 km nối quận Long Biên sang Ninh Hiệp sẽ được xây dựng vào thời gian tới.
Như vậy, đến năm 2030, dự kiến huyện Gia Lâm sẽ có tất cả 8 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống.
Đáng chú ý, dù không nằm trên địa phận huyện Gia Lâm nhưng dự án cầu gần đó như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hơn 2.500 tỷ đồng, cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ đồng (nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên), cầu Mễ Sở hơn 4.800 tỷ đồng (nối huyện Thường Tín với Văn Giang, Hưng Yên) và Tứ Liên (nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh) sẽ giúp giảm áp lực cho các cây cầu hiện hữu, rút ngắn thời gian từ Gia Lâm tới trung tâm thành phố và với các huyện khác.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong giai đoạn 2020 – 2050 sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 và 8 đi qua địa phận huyện Gia Lâm.
Tuyến số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) – Yên Viên – Như Quỳnh, dài khoảng 38,7 km. Trong đó, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ Ngọc Hồi – Yên Viên, giai đoạn 2 Gia Lâm – Dương Xá. Tuyến đi trên cao, có xem xét phương án đi kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia.
Tuyến số 1 có 16 nhà ga, trong đó có 2 ga tại Gia Lâm là Yên Viên (ga đề pô) và Cầu Đuống.
Sau nhiều lần trì hoãn, đến đầu năm 2019, Bộ GTVT cho biết sẽ tiến hành giai đoạn 1 của dự án với việc xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi, thời gian thực hiện là từ 2019 – 2024, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 19.046 tỷ đồng.
Tuyến số 8 Sơn Động (Hoài Đức) – Mai Dịch – Dương Xá dài 28 km vẫn đang trên quy hoạch, chưa có tiến độ dự kiến cụ thể. Trên tuyến có thể sử dụng xe buýt nhanh từng đoạn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông của các giai đoạn.
Riêng đoạn qua Gia Lâm bắt đầu từ Lĩnh Nam – vượt sông Hồng – Dương Xá dự kiến đi trên cao, với 2 ga Bát Tràng, Đa Tốn và 1 ga đề pô Cổ Bi.
Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu sắp xây sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện, nhanh hơn.
Giờ đây, huyện Gia Lâm đang dần định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có 4 tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên – Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ). Cắt ngang bốn tuyến đường lớn đó là quốc lộ 17.
Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn.
Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sẽ mở qua địa phận huyện Gia Lâm như đường Vành đai 3.5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng,…
Theo quy hoạch Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đường thì vành đai 3.5 là tuyến kết nối giữa bắc Sông Hồng và nam Sông Hồng. Con đường này sẽ đi qua một loạt quận huyện, như Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Gia Lâm,… tạo thành một vành đai tại phía tây Thủ Đô.
Theo nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND Thành phố Hà Nội phê duyệt, huyện Gia Lâm có 83 dự án, tổng diện tích 617,27 ha. Diện tích thu hồi đất là 614,11 ha.
Trong đó năm 2021 sẽ có 25 dự án mở đường và sửa chữa, mở rộng nhiều tuyến đường như: Xây dựng tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá – Đông Dư đến ga Phú Thị trị giá 198 tỷ đồng, chiều dài hơn 3,4 km; dự án xây dựng tuyến đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời – Đặng Xá đến xã Lệ Chi, tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng;
Ngoài các trục đường hiện hữu, trong tương lai Gia Lâm sẽ mở thêm loạt đường. (Ảnh: Hạ Vũ).
Dự án xây dựng tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, huyện Gia Lâm, tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị, tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường xã Phú Thị, Bát Tràng; tuyến đường Yên Viên – Đinh Xuyên – Phù Đổng đến hết địa bàn quận Gia Lâm,…
Trong Nghị quyết số 13 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài sang 2020 và kế hoạch đầu tư phát triển ngân sách thành phố năm 2020 (đợt 2); cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của TP Hà Nội, huyện Gia Lâm được rót vốn vào 13 dự án, với tổng mức đầu tư trên 843,2 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá – Đông Dư đến ga Phú Thọ trị giá 198 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường quy hoạch từ đường 179,1 đến đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, huyện Gia Lâm với tổng mức đầu tư 90,6 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường quy hoạch từ đường Phan Đăng Lưu đến Yên Thường, huyện Gia Lâm, trị giá 287,8 tỷ đồng.
Xây dựng tuyến đường 30 m đầu nối khu vực dự án Điểm thông quan nội địa TP Hà Nội tới đường Nguyễn Đức Thuận trị giá 120,7 tỷ đồng; xây dựng đường đê tả sông Hồng theo quy hoạch đoạn từ Đông Dư đi Bát Tràng với tổng mức đầu tư 51,8 tỷ đồng.
Huyện Gia Lâm được TP Hà Nội rót vốn vào 13 dự án, với tổng mức đầu tư trên 843,2 tỷ đồng. (Ảnh: Hạ Vũ).
Hai dự án xây dựng trường học là Trường Tiểu học thị TT Yên Viên (44,5 tỷ đồng) và trường THCS Dương Quang (29,5 tỷ đồng).
Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, tỷ lệ 1/500, quy mô 100 ha trị giá 8,2 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng điểm thông quan nội địa tại xã Cổ Bi rộng 70 ha tổng mức đầu tư 138 triệu đồng.
Hai dự án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 trị giá 9.2 tỷ đồng.
Xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc 2 tuyến đường liên khu vực bắc đầm Vân Trì – Cổ Loa – cầu Đuống, tỷ lệ 1/500 (2,5 tỷ đồng); đường chính khu vực nối Dốc Hội đến đường 40 m, cắt qua khu chức năng đô thị phía tây nam huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500 (301 triệu đồng).
Theo báo cáo về Kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố công bố năm 2018 (hiện đang được tái giám sát), huyện Gia Lâm có tất cả 11 dự án vi phạm.
Trong đó có 2 dự án có dấu hiệu vi phạm là bến xe tải và dịch vụ công cộng tại TDP Kiên Trung – thị trấn Trâu Quỳ do CTCP Vinafco làm chủ đầu tư; nhà xưởng sửa chữa phương tiện tại xã Kiêu Kỵ do CTCP Xây dựng công trình giao thông 842 làm chủ đầu tư.
2 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính: Khu nhà ở và dịch vụ xã Cổ Bi do CTCP Sông Hồng và CTCP xây lắp 1 làm chủ đầu tư, còn nợ 87,49 tỷ đồng; dự án khu đô thị mới Đặng Xá II tại các xã Đặng Xá, Cổ Bi, Phú Thị do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, còn phải truy thu 27,18 tỷ đồng.
7 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai huyện đề nghị tự rà soát là bến xe tải và dịch vụ công cộng tại thị trấn Trâu Quỳ rộng 24,7 ha (CTCP Vinafco); nhà xưởng sửa chữa phương tiện rộng 15,7 ha tại xã Kiêu Kỵ (CTCP Xây dựng công trình giao thông 842); xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm Việt Anh rộng 19,9 ha tại xã Phú Thị (Công ty TNHH dược phầm Việt Anh);
Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Giang diện tích 230 ha tại xã Kiêu Kỵ (Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị); xây dựng khu nhà xã hội rộng 26 ha tại xã Cổ Bi (CTCP xây lắp I – Petrolimex); dự án xây dựng nhà ở để bán trên nền đất hơn 7.000 m2 tại xã Cổ Bi (Công ty Xây dựng Hồng Hà); xây dựng trại lợn giống ông bà rộng 142 ha tại xã Kiêu Kỵ (CTCP giống gia súc Hà Nội).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2030, Gia Lâm dự kiến thành lập quận.
Thông tin tại buổi giao ban báo chí ngày 30/6/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Gia Lâm đã đạt được 25/28 tiêu chí, còn b tiêu chí chưa hoàn thành, đang gặp khó khăn.
Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là tiêu chí về giường bệnh, muốn thành quận thì huyện phải đạt 2,4 giường bệnh/ 1.000 dân trở lên. Huyện Gia Lâm hiện đang đạt 1,93 giường bệnh/ 1.000 dân.
Tuy nhiên theo ông Thuần, tiêu chí này có thể hoàn thành được trong giai đoạn tới khi Bệnh viện quốc tế Vinmec quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đầu tư xây dựng trong khu đô thị Vincity Ocean Park thời gian tới, đồng thời huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.
Tiêu chí thứ hai là tự cân đối được ngân sách. Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đang xin cơ chế của thành phố theo hình thức để cho huyện được thu thuế của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nếu được cơ chế này thì huyện có thể tự cân đối được ngân sách.
Tiêu chí thứ ba, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cũng là tiêu chí mà huyện đang gặp khó nhất, đó là tỷ lệ đường giao thông trên 10 km2. Hiện huyện đang thiếu gần 100 km đường giao thông cấp huyện (đường liên xã trở lên), để hoàn thành thì nhanh nhất cũng phải vài ba năm tới.
Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt trên cơ sở quy hoạch của huyện xây dựng thêm 43 con đường từ nay đến 2025, tổng chiều dài 81,2km, tổng nhu cầu vốn 6.872,6 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã triển khai 306 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Về hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp 190,5 km đường liên thôn, đường giao thông trục chính, trục thôn. Cùng với việc đầu tư 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, huyện Gia Lâm hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.
Trong buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm vào ngày 5/3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lúc ấy vẫn đang giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã đánh giá: “Với đà này thì đến năm 2023, Gia Lâm có thể lên quận được.”
Hiện nay, những khu vực phát triển của Gia Lâm chủ yếu xoay quanh một số khu vực thị trấn Trâu Quỳ, quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Về mặt bằng giá đất, thị trấn Trâu Quỳ hiện đang có mức giá khoảng 150 – 170 triệu đồng. Còn đất ở các trục đường chính và đất thổ cư trong làng khoảng một năm nay tăng khoảng 15 – 25 triệu đồng/m2 tùy từng lô.
Giá đất tại Gia Lâm từ giữa năm 2020 đã tăng bình quân trong khoảng từ 10 – 15% với các khu vực có các dự án lớn, giá nhà đất còn tăng tới 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Đất nông nghiệp ở mức 3 – 4 triệu đồng/m2.
“Ở Gia Lâm hiện nay đường xá quy hoạch cũng nhiều, ngoài dự án của Vingroup còn nhiều dự án khác. Thêm thông tin lên quận cũng khiến giá đất tăng cao. Tài chính 2 tỷ có thể mua đất thổ cư diện tích khoảng 40 – 60 m2 tại xác xã như Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư”, một môi giới tại Gia Lâm cho biết.
Môi giới này cho biết thêm, bất động sản Gia Lâm cũng sẽ có tiềm năng tăng giá như Long Biên cách đây khoảng 7 – 10 năm trước. Long Biên thời điểm đó cũng bắt đầu phát triển để lên quận, đường xá rục rịch bắt đầu làm.
Còn theo Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý IV/2020 của Colliers International, thị trường căn hộ chung cư phân khúc bình dân vẫn hấp dẫn và hầu hết các giao dịch ở phân khúc này đến từ các quận, huyện ngoại thành, trong đó có Gia Lâm.
Đáng chú ý, thị trường ghi nhận mức tăng giá cao hơn tại các quận ngoại thành như Nam Từ Liêm, Gia Lâm, cao hơn các quận nội thành, phần lớn do sự cải thiện về kết nối giao thông giữa nội thành và ngoại thành.
Trong quý VI/2020, huyện Gia Lâm lần đầu tiên ghi nhận giá bán sơ cấp của một dự án mới mở bán ở mức hơn 1.900 USD/m2.